Tinh dầu vỏ quýt được sử dụng rộng rãi và có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe cũng như mang nhiều giá trị trong làm đẹp mà bạn có thể tận dụng cho bản thân và gia đình.
Tuy nhiên, tinh dầu quýt thường có giá thành khá cao, vì vậy để tiết kiệm chi phí bạn có thể tham khảo và ứng dụng ngay cách làm tinh dầu quýt siêu đơn giản dưới đây nhé!Bằng cách thức này, bạn có thể dễ dàng làm ra 1 lọ tinh dầu quýt với hương thơm thanh mát dễ chịu giúp thư giãn tốt, khử mùi hiệu quả, đuổi côn trùng, hay cả dùng hỗ trợ phòng trị bệnh.
Công dụng của tinh dầu quýt
Làm đẹp
- Trị mụn trứng cá, rạn da và thâm sau mụn, ít nguy cơ gây kích ứng trên da.
- Ngăn chặn vi khuẩn và nấm phát triển, từ đó ngừa nhiễm trùng da bị kích thích.
Liệu pháp mùi hương
- Cải thiện chứng lo âu và cảm giác buồn nôn.
- Chống hoặc giảm đau, tăng lưu thông máu ở vùng da bị tổn thương.
Làm giảm co thắt
Tinh dầu vỏ quýt sẽ giúp bạn thoát khỏi tình trạng co thắt cơ trong hệ hô hấp (khó thở, nghẹt mũi, ho khan kéo theo đau tức, khó chịu nơi dạ dày) và dây thần kinh một cách hiệu quả và an toàn.
Cải thiện sức khỏe
Tinh dầu từ vỏ quýt có thể đào thải chất độc ra khỏi cơ thể và khuyến khích tất cả những bộ phận như hệ hô hấp, tiêu hóa, tim mạch, tuần hoàn hoạt động. Nhờ đó, cơ thể bạn sẽ tăng trưởng, hoạt động và nâng cao hệ miễn dịch.
4 bước làm tinh dầu quýt đơn giản tại nhà
Nguyên liệu làm tinh dầu quýt
- Vỏ quýt tươi
- Nồi có nắp đậy dạng vòm
- Đá lạnh
- Chén sành (nên chọn loại nặng)
- Hũ thủy tinh tối màu
Hướng dẫn cách làm tinh dầu quýt
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Rửa sạch vỏ quýt, để ráo, sau đó cắt thành sợi mỏng.
Bước 2: Sắp xếp dụng cụ và nguyên liệu
Cho vỏ quýt đã cắt sợi vào nồi, và cho nước ngập mặt, đặt chén sành vào giữa nồi sao cho chén được cố định chắc chắn, có thể để chén đè lên phần vỏ quýt.
Bước 3: Tiến hành đun vỏ quýt
Sau khi nước trong nồi sôi thì vặn nhỏ lửa, lật ngược nắp nồi, và cho đá lạnh lên bên trên nắp.
Hơi nước bốc lên mang theo tinh dầu, khi gặp đá lạnh sẽ ngưng tụ và theo phần chóp nhọn của nắp nồi nhỏ xuống lòng chén đã đặt sẵn bên dưới.
Tiếp tục đun như vậy trong khoảng thời gian 45 phút đến 1 tiếng, bạn sẽ thu được toàn bộ phần tinh dầu có trong vỏ quýt.
Bước 4: Lọc tinh dầu quýt
Hỗn hợp thu được gồm 2 lớp: phần nước cất, và phần tinh dầu nhẹ hơn nổi lên trên. Nếu không có phễu lọc chuyên dụng, bạn có thể dùng dụng cụ sạch hớt tinh dầu theo cách thủ công. Tinh dầu vỏ quýt thu được để nguội và cho vào chai thủy tinh tối màu bảo quản và dùng dần.
Vậy là bạn đã thu được cho mình một chai tinh dầu quýt đảm bảo nguồn gốc nguyên liệu, cũng như tin tưởng về độ nguyên chất của sản phẩm.
Lưu ý khi làm tinh dầu quýt
- Bảo quản tinh dầu trong lọ kín tối màu, ở nơi khô thoáng và tránh ánh nắng trực tiếp, vì các loại tinh dầu thiên nhiên nói chung và tinh dầu quýt nói riêng rất dễ bay hơi và sẽ bị giảm chất lượng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
- Tránh để tinh dầu tiếp xúc với mắt hay thoa trực tiếp lên vết thương hở, đồng thời bạn cũng nên lưu ý để tinh dầu ở xa tầm tay trẻ em để đảm bảo an toàn nhé!
Cách dùng tinh dầu từ vỏ quýt
Sau khi điều chế được tinh dầu, vậy bạn cần sử dụng như thế nào để tối ưu được những lợi ích tuyệt vời của nó? Dưới đây là một số gợi ý mà bạn có thể tham khảo:
- Khử mùi: mở nắp lọ tinh dầu hoặc nhỏ ít tinh dầu vào đèn xông tinh dầu để căn phòng tràn ngập hương thơm.
- Đuổi côn trùng: mở nắp lọ tinh dầu để gần chỗ có muỗi hoặc pha với nước trong bình nước và sau đó nhẹ nhàng phun vào nơi có côn trùng, chúng sẽ tự động biến mất.
- Thư giãn: thêm vài giọt tinh dầu vào bồn tắm nước ấm hoặc sữa tắm.
- Kích thích hệ thống bạch huyết và giải độc da: sử dụng chung với kem dưỡng da.
- Giảm căng thẳng, stress: dùng liệu pháp xông hơi.
Lưu ý khi sử dụng tinh dầu vỏ quýt
- Pha loãng khi dùng và ngưng sử dụng nếu bị kích ứng.
- Đối với các trường hợp: mang thai, bị động kinh, gan bị tổn thương, đang mắc phải tình trạng ung thư hoặc bất kỳ vấn đề y tế nào khác, bạn hãy tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nhằm đảm bảo an toàn.